KHÁI QUÁT VỀ TRUNG TÂM BẢO TRỢ XÃ HỘI CHĂM SÓC VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG NGƯỜI TÂM THẦN, NGƯỜI RỐI NHIỄU TÂM TRÍ TỈNH KHÁNH HÒA
1. VỊ TRÍ
Trung tâm Bảo trợ xã hội Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tỉnh Khánh Hòa là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Khánh Hoà, được thành lập theo quyết định số 1853/QĐ-UBND ngày 10/7/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc thành lập Trung tâm Bảo trợ xã hội Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tỉnh Khánh Hòa trên cơ sở tách bộ phận chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí Trung tâm Bảo trợ xã hội Khánh Hòa.
Trung tâm là đơn vị có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật; có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng.
Trụ sở của Trung tâm đặt tại thôn An Định, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
2. CHỨC NĂNG
Trung tâm thực hiện chức năng: Tổ chức tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo vệ khẩn cấp, đối tượng tự nguyện là người khuyết tật thần kinh – tâm thần từ 16 tuổi trở lên và các đối tượng người khuyết tật thần kinh – tâm thần, người rối nhiễu tâm trí khác theo Chương trình, đề án hỗ trợ hoặc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; Cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho người khuyết tật thần kinh, tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm và cộng đồng.
3. NHIỆM VỤ
a. Cung cấp các dịch vụ khẩn cấp
– Tiếp nhận đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp là người khuyết tật thần kinh, tâm thần, người rỗi nhiễu tâm trí từ các cơ sở bảo trợ xã hội hoặc Bệnh viện Chuyên khoa tâm thần chuyển đến.
– Đánh giá các nhu cầu của đối tượng; sàng lọc và phân loại đối tượng. Trường hợp cần thiết thì chuyển gửi đối tượng tới các cơ sở y tế, giáo dục, cơ quan công an, tư pháp hoặc các cơ quan, tổ chức phù hợp khác;
– Bảo đảm sự an toàn và đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp của đối tượng như: Nơi cư trú tạm thời, thức ăn, quần áo và đi lại.
b. Tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi thể chất cho đối tượng.
c. Tư vấn và trợ giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội; phối hợp với các cơ quan, tổ chức phù hợp khác để bảo vệ, trợ giúp đối tượng; tìm kiếm, sắp xếp các hình thức chăm sóc.
d. Xây dựng kế hoạch can thiệp và trợ giúp đối tượng; giám sát và rà soát lại các hoạt động can thiệp, trợ giúp và điều chỉnh kế hoạch.
đ. Tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội (người khuyết tật thần kinh – tâm thần, người rối nhiễu tâm trí…) thuộc diện đặc biệt khó khăn, không tự lo được cuộc sống và không có điều kiện sinh sống tại gia đình, cộng đồng.
e. Cung cấp dịch vụ điều trị y tế ban đầu.
g. Tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, trợ giúp các đối tượng trong các hoạt động tự quản, văn hóa, thể thao, các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của từng nhóm đối tượng lao động sản xuất theo quy định của pháp luật.
h. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức để dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp nhằm giúp đối tượng phát triển về thể chất, trí tuệ, nhân cách và hòa nhập cộng đồng.
i. Quản lý các đối tượng được cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cơ sở.
k. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa đối tượng rơi vào hoàn cảnh khó khăn và bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi.
l. Tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức.
m. Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương đưa đối tượng đủ điều kiện hoặc tự nguyện xin ra khỏi cơ sở trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống.
n. Quản lý tài chính, tài sản, viên chức và người lao động theo quy định của pháp luật.
0. Tổ chức vận động và tiếp nhận sự hỗ trợ tài chính, hiện vật của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài để thực hiện các hoạt động của cơ sở.
p. Thực hiện cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội theo yêu cầu và các nhiệm vụ khác do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định.